Chị Trang và Emly – chuyện sinh đôi

Câu chuyện thứ nhất.

Montreal  1:10 am thứ 7 ngày 03 tháng 10 năm 2020.

Mình viết bài này sau 3 tiếng buôn chuyện điện thoại với mẹ và chị Trang ở Việt Nam. Viết để ôn lại bài sinh học chị Trang mới giảng hôm nay và để thấy tự hào vì bọn mình sinh ra thật kỳ diệu đặc biệt – sinh đôi khác trứng

LiLy có chị gái sinh đôi, chị tên là Thảo Trang, vừa tốt nghiệp Bác Sĩ Đa Khoa Đại Học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (cả nhà tự hào lắm). Còn mình Lily tên thật là Tuyết Ly, ra sau nên là em (có nhiều nơi ra sau sẽ là chị nhỉ! 🙂 ), hiện đang sinh sống và làm việc ở Canada. Bọn mình sinh đôi, nhưng là sinh đôi khác trứng, thế nên hai đứa nhìn chả giống nhau tẹo nào. Đứa chị giống bên ngoại, đứa em giống bên nội. Đứa chị da ngăm tối màu, đứa em da trắng sáng hơn. Đứa chị nhỏ con mảnh mai, đứa em cũng nhỏ nhưng thêm phần tròn trĩnh. Đứa chị tự tin lạc quan vô lo, đứa em tự ti lại hay lo nghĩ. Mỗi đứa một tính, một hướng đi riêng.

Bọn mình xưng hô với nhau là Chị Trang/Emly.

Hai chị em cũng thường nhắn tin gọi điện nhỏ to tâm sự đủ chuyện, chả hiểu hôm nay nói chuyện gì mà lại lan man sang cả chuyện sinh đôi của hai đứa. À, đây, mình nhớ rồi.

Cuộc hội thoại của chị Trang và Emly:

– Chị Trang, Emly thích quen con trai lớn tuổi hơn mình, mà nếu lớn hơn 10 tuổi rồi sau này có con muộn có ảnh hưởng tới thai nhi không nhỉ? 

– Không, chuyện ni do người phụ nữ nhiều hơn vì tinh trùng của đàn ông luôn được sản sinh ra mới, còn phụ nữ từ khi sinh ra, số trứng đã phát triển đầy đủ và trứng mới sẽ không sản sinh thêm nữa. Mà trứng của phụ nữ là tế bào lớn nhất trong cơ thể, có thể nhìn thấy bằng mắt thường đó, còn các tế bào khác phải nhìn qua kính hiển vi.

-Ủa, rứa nếu số lượng trứng không sản sinh thêm, thì nếu những ai quan hệ tình dục nhiều quá, rồi bữa sau muốn có con lại hết trứng thì răng? Và mình có bao nhiêu trứng rứa, còn biết đường mà giữ

-*chị trang ôm mặt, cười khổ sở* Trời trời, emly bị hỏng kiến thức sinh học thật luôn. Có bao nhiêu trứng thì chị Trang không nhớ nữa, tầm mấy triệu. Nhưng từ độ tuổi dậy thì, số lượng trứng chứa trong buồng trứng sẽ giảm xuống. Mỗi tháng trứng sẽ chỉ rụng một lần và chỉ có một quả thôi. Chứ không phải cứ quan hệ tình dục là rụng trứng.

-Rứa tại răng ta sinh đôi khác trứng, tức là mẹ rụng hai trứng, rồi thụ thai với hai tinh trùng khác nhau đúng ko?

-Ừ, đúng, ta là kiểu đặc biệt, không hiểu sao mẹ rụng hai trứng, và thường cứ sinh đôi dù khác trứng hay cùng trứng thì người ta gọi là thai kì bệnh lí vì đó không phải là thai kì bình thường theo số đông.

*Chị Trang mở máy tính, tìm hình minh họa*

-Đây, khi ta sinh đôi khác trứng thì hai đứa nằm hoàn toàn trong hai túi ối riêng biệt trong trong tử cung của mẹ, có hai nhau thai khác biệt. Bởi rứa, sinh đôi khác trứng thường khác nhau vì có cấu trúc gen khác nhau. Nó còn có nhiều biến chứng ví dụ như: có một đứa sẽ lớn, còn một đứa sẽ nhỏ hơn, và thường hai đứa sẽ có cân nặng thấp hơn so với tuổi thai bình thường. Rồi khi không gian trong tử cung quá hẹp, sẽ hạn chế tới sự phát triển của thai nhi (điều này đúng, vì khi sinh ra chân mình bị vòng kiềng khá nặng, từ khi biết đi đã phải chống nạng, không thể đứng thăng bằng được, từ nhỏ đã cùng ba đi khắp các bệnh viện để nắn chỉnh lại chân, giờ chân mình đã xinh đẹp rồi.)

-Hèn chi, hồi mẹ có thai mẹ cứ khóc suốt vì thấy bụng quá to. Rứa ta cũng có thể có sinh đôi đúng không?

-Có, chị Trang nghĩ rứa, nhưng là sinh đôi khác trứng nhiều hơn. 

-Công nhận sinh học cũng hay, khám phá những thứ trong cơ thể mình, biết nó hoạt động ra sao.

Bọn mình còn tám nhiều thứ linh tinh nữa rồi mình pai chị Trang, mình phải đi ngủ. Mà tại hôm nay nói chuyện với chị Trang, Emly ngộ ra nhiều điều hay quá nên chưa vội ngủ và phải viết lại ngay vì bọn mình thật ĐẶC BIỆT!!!

Bọn mình cùng nằm trong bụng mẹ, lấy cùng chất dinh dưỡng từ mẹ, cùng vui, cùng buồn với mẹ trong suốt chu kỳ mang thai, chỉ là hai đứa có hai “phòng” khác nhau – tự do – thoải mái – độc lập, nhưng giữa bọn mình từ khi hình thành cho tới khi lớn lên, là thật nhiều kết nối.

Đáng Yêu.

Bọn mình sẽ quay lại với câu chuyện thứ hai. 🙂

Chị Bác Sĩ của nhà mình.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: