“Học Đại học chán lắm chị ạ!’’ – Thư gửi Thế.

Dear Thế,

Em trai của chị,

“Học Đại học chán lắm chị ạ!’’ – Thế nói với chị giọng đầy than thở. Nghe buồn nhỉ! Để chị kể Thế nghe, hai năm học Đại học ở Việt Nam, và bốn năm học ở Canada, chưa bao giờ chị thấy chán trường lớp cả. Và như chị thường nói: “Được đi học là một niềm hạnh phúc mà bao người mơ ước.” Chị đồng ý là bài vở và những kì thi đôi lúc làm mình nặng đầu mệt óc lắm, nhưng mà chán thì chắc chắn là không. Tại sao? Ở trường Đại học/Cao đẳng hay Trung cấp, ta được học, ta được chơi, và ta được sống cuộc sống của một người thanh niên trưởng thành.

Việc học

Ở Đại học (chị gọi vắn tắt bao gồm cả Cao Đẳng và Trung Cấp), ta sẽ học ít môn hơn so ở cấp 3, nhưng lượng kiến thức nhiều hơn, đòi hỏi thời gian tự học và nghiên cứu nhiều hơn. Đi học, giảng đường thì đông, trời Sài Gòn thì oi bức nóng nực, có môn thầy cô giảng nghe buồn ngủ dữ dội, ngáp ngắn ngáp dài, chỉ muốn nằm gục xuống bàn. 

Vậy nên,

Đi học đừng vào lớp quá muộn, đi sớm tầm 5-10 phút và ngồi ở những dãy bàn phía trên, vừa thông thoáng lại vừa tập trung hơn. Rồi khi ta ngồi gần thầy cô, ta cũng không dám gục đầu xuống bàn ngủ nữa đúng không? Nghĩ xa hơn một xíu, ta còn tạo cảm hứng cho thầy cô nữa. Chị thích làm giáo viên, nên đứng trên phương diện một cô giáo, khi giảng bài mà học sinh chăm chú ghi chép, thi thoảng lại nhìn mình gật gù thì chị sẽ cảm thấy mình được lắng nghe, được phản hồi và có nhiều hứng thú với bài giảng hơn. Thầy cô cũng nóng, cũng mệt, cũng buồn ngủ giống mình thôi.

Ghi chép. Nếu ngồi yên một chỗ hai tiếng đồng hồ chỉ để nghe giảng thì sẽ rất buồn ngủ và đó không phải là một cách học hiệu quả. Thường một số môn sẽ có sẵn slide nhưng mình cũng cần phải ghi chép vì nội dung trong slide chỉ là những tóm tắt, là một cái sườn và mình phải đắp vá thêm các chi tiết để có một body hoàn chỉnh đầy đủ các thông tin. Còn những môn không có slide thì dĩ nhiên mình phải ghi chép rồi, nếu có sách thì dò theo xem thầy cô đang nói tới mục nào trong sách. Viết, highlight, đánh dấu hay khoanh tròn… những chỗ thầy cô giải thích kĩ hay nhắc đi nhắc lại nhiều lần vì nó quan trọng và đôi khi nó sẽ có trong bài thi sắp tới.

Đóng góp xây dựng bài. Cái này khá khó khăn với nhiều bạn, và chắc chắn là với Thế nữa, vì ta không tự tin, ta sợ sai, ta sợ bị mấy bạn cười. Đi học Đại Học, hầu hết mình sẽ được ngồi tại chỗ trả lời câu hỏi của giáo viên hay đưa ra ý kiến mà không cần đứng dậy giơ tay phát biểu. Nếu ta chưa tự tin được thì hãy bắt đầu với những môn ta giỏi, ta thích trước. Đặc biệt là những môn tính toán như: Kế toán, Kinh tế vi mô/vĩ mô, Toán cao cấp hay Xác suất thống kê…Thầy cô thường sẽ hỏi về công thức, những định luật hay đáp án của các bài tập. Câu trả lời thường rất ngắn không cần phân tích nhiều. Còn Luật, Triết học hay Quản trị kinh doanh/nguồn nhân lực…thì cần đưa ra ví dụ phân tích nhiều hơn nên sẽ khó khăn hơn với các bạn sợ nói trước đám đông. Chị đã áp dụng cách này khi bắt đầu học ở Canada vì chị cũng có những nỗi sợ như trên và nó hiệu quả. Đừng trốn tránh những nỗi sợ của mình, từ từ thích nghi đối mặt với nó, cho bản thân thời gian,rồi một ngày nào đó nó sẽ biến mất mà ta chẳng hề hay biết.

Nhóm học tập. Hãy tìm cho mình một nhóm học tập là những người bạn hợp với mình và có cùng chí hướng. Thế sẽ nhớ lắm cái nhóm này sau khi tốt nghiệp đấy. Một đám loi nhoi tiết nào cũng ngồi cạnh nhau, cùng ghanh đua học tập, cùng làm bài, cùng đùa giỡn, và ở Đại học có rất nhiều bài tập nhóm, thuyết trình nhóm. Tuy không phải tất cả các thành viên trong nhóm đều có cùng các lớp học giống nhau, nhưng với các môn chuyên ngành thì hãy giữ cho mình một nhóm học tập cố định. Viết tới đây, chị nhớ nhóm học tập của chị quá, một nhóm ở VN, một nhóm ở Can. Hai cách giáo dục, hai môi trường và những con người khác nhau nhưng là những ký ức rất đẹp của thời sinh viên. Chị học được rất nhiều điều từ bạn bè đấy. Nhưng hãy nhớ, đừng ỷ lại ở nhóm học tập, đừng nghĩ những thành viên trong nhóm sẽ làm bài cho mình, mình chỉ việc ngồi không và vẫn có điểm, nếu trong một nhóm ai cũng nghĩ như thế, thì…chao ôi…loạn. Hãy là một thành viên tích cực của nhóm và ở những buổi họp/thảo luận nhóm, hãy “ đóng góp một cái gì đó vào bữa tiệc”, đừng “tới tiệc với tay không, ăn uống cười nói thỏa thuê và khi ra về thì mọi người xì xào sau lưng mình nhé”. Nhớ nha!

Nếu có nhiều vấn đề còn chưa hiểu, hãy tận dụng những cuối giờ, khi các bạn loay hoay dọn sách vở về, mình có thể lên hỏi bài từ thầy cô. Ở Can, mỗi thầy cô sẽ có office hours, học sinh có thể vào văn phòng gặp trực tiếp thầy cô để hỏi bài, hay nhiều lúc là nhờ vả. Chị đã từng vào phòng thầy cô để nhờ giảng bài, để tâm sự về vốn tiếng anh kém cỏi của mình, để nhờ thầy cô xem lại điểm của bài thi, nhờ thầy cô viết lá thư xin học bổng, thư xin viêc, hay có cả khi xin thêm tài liệu đọc, có lần chị còn liều xin mượn sách từ thầy cô nữa, vì ở Can mọi người không dùng sách photocopy, mà một quyển sách chuyên ngành tầm 400$ CAD (hơn 7 triệu VND chưa tính thuế), nên chị nghĩ chả mất mát gì để mở miệng nhờ giúp đỡ cả. Để làm được những việc đấy thì như ở trên, chăm chỉ đi học, ngồi ở phía trên, tham gia xây dựng bài thì thầy cô mới nhận ra mình là ai giữa hàng chục/hàng trăm sinh viên trên giảng đường. Đừng đi học mà thầy cô chẳng biết mình là ai – đó là châm ngôn của chị mỗi khi bắt đầu học kì mới với một giáo viên mới.

Hãy tận dụng hết những quyền lợi của một sinh viên trong trường. Thư viện, hãy đọc sách, mượn sách, sách chuyên ngành, sách tiếng anh hay cả sách truyện, tiểu thuyết. Những phòng học nhóm nhỏ với máy vi tính, máy chiếu cho những hôm thực hành thuyết trình. Nếu học ở trường trong nhóm Đại học Quốc Gia, thì sẽ có thêm quyền lợi ở Thư viện Trung tâm (Thủ Đức) – theo chị nhớ cách đây 5 năm. Mỗi trường học sẽ luôn có các phòng dịch vụ, chăm sóc, bảo vệ quyền lợi sinh viên – Student service department (counselling). Ta có thể tới đây nói chuyện về bất cứ khó khăn gì trong cuộc sống, áp lực, căng thẳng, hay những nỗi sợ thuyết trình trước lớp, những kĩ năng giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định. Chị thấy cái này rất phổ biến ở nước ngoài.

Điều quan trọng nữa là đừng cúp cua, có một số môn thầy cô không điểm danh, không có điểm chuyên cần, nhưng tập cho mình thói quen là ko cúp học, và đừng ỷ lại vào bạn bè xung quanh, đừng nghĩ mượn quyển vở của cô bạn chăm chỉ nào đấy trong lớp rồi lôi điện thoại ra chụp cái rụp là xong. Chỉ có tai mình nghe, mắt mình thấy, tay mình viết, não mình tư duy thì đó mới là học và học một cách hiệu quả.

Chị hiểu là để làm được những điều ở trên là rất nhiều khó khăn, thử thách, và sẽ có nhiều lắm những lần ta nản chí. Vậy nên hãy tìm cho mình một mục tiêu, như là sinh viên 5 tốt của khoa, của trường, của thành phố, xa hơn nữa là tốt nghiệp bằng giỏi, học bổng du học nước ngoài. Phải luôn có những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để giữ lửa học tập cho mình, để nhắc nhở mình đang cố gắng vì điều gì.

Chơi

Ở Đại Học, có rất nhiều hội nhóm, các câu lạc bộ với rất nhiều hoạt động xuyên suốt cả năm học hay cả mùa hè nữa. Ngoài ra còn có một số các khóa học ngắn hạn với những chứng chỉ nho nhỏ (cần thiết cho sinh viên 5 tốt). Hãy tìm cho mình những hội nhóm phù hợp, đặt mình vào một nhóm những người có chung đam mê với mình. Như thế, mối quan hệ của mình sẽ không chỉ nằm trong lớp học, mà còn được mở rộng ra. Mình sẽ quen với các anh chị khóa trên, các bạn khoa khác hay có khi cả trường đại học khác. Chị luôn quan điểm rằng mở rộng mối quan hệ, là mở rộng thêm cho mình nhiều cơ hội: được học hỏi, được chia sẻ, và có rất nhiều cơ hội lớn khác mà ta không ngờ tới đâu. Như chị là cơ hội việc làm hiện tại.

Là sinh viên, thì hãy học hết sức và chơi hết mình. Chị chả ngại ngủ ở hành lang hay ở gần thang máy những hôm quá mệt vì tập văn nghệ tới tối muộn, chả ngại dọn dẹp bãi rác hôi thối khi tham gia Xuân tình nguyện. Thế sẽ nhớ những tháng ngày tuổi trẻ xông pha như thế đấy. Chị đã rất hối hận vì mình đã không tham gia nhiều hơn.

Là những người bạn mới tới từ khắp các vùng miền Tổ Quốc. Bạn bè của ta giờ chẳng phải là thằng kia ở xóm này, con ông này, bà kia mà ta biết rất rõ nữa. Vậy nên hãy đủ tinh tế,thông minh nhận biết được ai là bạn tốt, ai là bạn xấu để sau những cuộc vui chơi hả hê, sẽ không là những hối hận tiếc nuối.

Sống

Tới đây, ta đã là một thanh niên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Ta đi du học xa nhà. Chẳng còn ba mẹ bên cạnh nhắc nhở, chăm lo cho những bữa ăn, những giấc ngủ. Chẳng còn ba mẹ la mắng những hôm đi về tối muộn, uống rượu bia, hay xài tiền quá độ. Thanh niên trưởng thành phải biết giới hạn và trách nhiệm của bản thân, giữ cho mình một nhịp sống lành mạnh, sống sao cho đúng với bản thân, đúng với gia đình và xã hội.

Ta còn đi học nên ta cần trợ cấp từ ba mẹ. Vậy nên, phải biết tính toán chi tiêu sao cho hợp lý, phải biết quý trọng những mồ hôi công sức của ba mẹ. 

Người trưởng thành sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề của xã hội hơn. Phải biết phân biệt giữa xã hội ai là bạn tốt, ai là bạn xấu, rồi những lừa lọc của thành phố huyên náo được ngụy trang sau những mánh khóe xảo quyệt.

Không được vì một mối thù hằn, mâu thuẫn trong trường lớp, khu trọ, hay vì quá tức giận là mình có thể giơ nắm đấm làm tổn thương/tổn hại tới người khác hay tài sản của họ. Nhớ là ta đã đủ năng lực trách nhiệm hình sự rồi đấy.

Đại Học là để học lấy kiến thức –  là chơi để học từ bạn bè – là sống để học từ xã hội. Chắc do vậy chị viết về Học nhiều hơn. Chị viết vì mong Thế hãy biết trân quý những tháng ngày sinh viên và chẳng còn thấy Đại học quá chán. 

Câu cuối vì chị biết Thế ghét chị dài dòng: Thường xuyên gọi điện về nhà nhé!

Love you,

Chị Lily

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: